Mang thai đồng nghĩa với việc cuộc sống của bạn đang dần thay đổi và chuyển sang bước ngoặt mới. Dinh dưỡng bà bầu cực kỳ quan trọng và là điều đầu tiên được quan tâm với những ai mới đảm nhiệm thiên chức làm mẹ. Chế độ ăn uống lành mạnh là điều kiện cần và đủ để mẹ bầu khỏe mạnh, theo đó thai nhi có thể phát triển toàn diện hơn.
Những nguyên tắc chung về dinh dưỡng cho bà bầu
Điều chỉnh lại chế độ ăn uống
Phần lớn các thai phụ đều cần dung nạp thêm nhiều chất đạm, một số loại vitamin và khoáng chất nhất định như axit folic, sắt và đặc biệt nhiều canxi. Nếu chế độ dinh dưỡng hiện tại của bạn chưa đáp ứng được những tiêu chí trên, bạn nên điều chỉnh lại ngay chế độ ăn uống của mình để đảm bảo cho sức khỏe và sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, ăn uống chất lượng hơn không có nghĩa là ăn nhiều hơn đâu nhé. Nếu như đã có cân nặng lý tưởng khi bắt đầu mang thai thì trong 3 tháng đầu tiên, bạn không cần phải nạp thêm calo đâu. Sau đó, bạn cần nạp thêm khoảng 300 calo mỗi ngày trong 3 tháng tiếp theo và 450 calo mỗi ngày trong 3 tháng cuối.
Còn nếu bạn bị thừa hay thiếu cân, bạn sẽ cần nạp ít hoặc nhiều hơn lượng ở trên, điều này còn tùy thuộc vào mục tiêu tăng cân của bạn.
Chế độ ăn kiêng hợp lý đủ chất
Ăn kiêng khi mang thai sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho bạn và em bé vì việc giảm cân không chỉ đơn thuần làm giảm cân nặng của cơ thể bạn mà còn ảnh hưởng đến hàm lượng sắt, axit folic và những các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu khác.
Tăng cân là một trong những dấu hiệu tích cực của một thai kỳ khỏe mạnh. Những thai phụ có chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cân khoa học sẽ cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh. Vì vậy, nếu đang ăn uống rất “kham khổ” và chậm tăng cân, bạn nên xem lại nhé. Nên nhớ là bạn không chỉ đang ăn cho một người đâu đấy.
Nói không với những thực phẩm có hại
Thai phụ cần tránh xa hải sản sống như hàu, sushi hay món gỏi cá, sữa chưa tiệt trùng và phô mai làm từ sữa chưa tiệt trùng hay còn gọi là phô mai mềm như Brie hay Camember và phô mai Mexico như queso blanco và panela, pa-tê, thịt gia súc và gia cầm sống hay tái. Vì những loại thực này có thể chứa những loại vi khuẩn không tốt cho thai nhi.
Gần như tất cả các loại cá đều có chứa thủy ngân hay nguyên tố kim loại nào đó và điều này sẽ có tác hại lớn đến sự phát triển trí não của thai nhi và trẻ nhỏ. Hiệp hội dinh dưỡng khuyến cáo thai phụ chỉ nên tiêu thụ khoảng 300-400gr cá mỗi tuần, tương đương với khoảng 2 bữa ăn một tuần.
Các chuyên gia khuyên bạn nên từ bỏ bia rượu, các thể loại cock-tail trong suốt thai kỳ vì chúng sẽ có thể gây ra các dị tật, khuyết tật, mất khả năng học tập và các vấn đề về cảm xúc ở trẻ.
Đối với những thức uống có chứa caffein, bạn nên cân nhắc để cắt giảm hay tạm ngưng các loại thức uống này. Đặc biệt, nếu gặp bất kỳ điều gì bất thường khi sử dụng các chất này trong 3 tháng đầu tiên, bạn nên ngưng sử dụng ngay.
Uống bổ sung vitamin và khoáng chất trước khi sinh
Tùy theo nhu cầu về chất dinh dưỡng trong thai kỳ, bạn sẽ phải cân nhắc xem có nên bổ sung thêm các dưỡng chất từ thuốc không. Vì nhiều lúc, những bữa ăn hàng ngày sẽ không cung cấp đủ cho cơ thể những dưỡng chất cần thiết. Thực tế, nhiều mẹ vẫn cần sự trợ giúp của các loại thuốc bổ sung vitamin-khoáng chất dành riêng cho bà bầu để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết.
Với những phụ nữ ăn chay nghiêm ngặt và mắc một số bệnh lý như tiểu đường, tiểu đường thai kỳ, thiếu máu hay đã từng sinh con nhẹ cân trước đây, việc trao đổi kỹ với bác sĩ hay các chuyên gia tư vấn dinh dưỡng để có những phương án bổ sung dưỡng chất phù hợp là vô cùng cần thiết.
Dinh dưỡng bà bầu chuẩn theo từng tháng
Tháng đầu của thai kỳ, cơ thể bắt đầu thay đổi, hormone nội tiết tố tăng lên, làm bạn thường xuyên cảm giác buồn nôn và khó chịu bụng. Đó chính là dấu hiệu của ốm nghén. Lúc này, thật khó để có thể kết hợp ăn uống đủ chất và giúp làm dịu cơn thai nghén. Đừng lo, bật mí cho bà bầu mẹo ăn uống lý tưởng sau:
- Ăn một bữa ăn nhẹ giàu carbohydrate khoảng 15-20 phút trước khi ra khỏi giường. Để sẵn ở đầu giường một lọ bánh quy mặn, các loại hạt, ngũ cốc hoặc trái cây sấy khô.
- Chia 3 bữa ăn chính thành 6 bữa nhỏ mỗi ngày.
- Chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa, kết hợp ăn tinh bột cùng nguồn protein nạc từ thịt gà và cá. Đừng quên uống thêm sữa ít béo và bổ sung thêm các chế phẩm từ sữa vào buổi sáng và buổi tối.
- Uống nước giữa các bữa ăn, chứ không nên uống trong bữa ăn.
- Tránh những món khó tiêu nhiều chất béo, chiên, rán, ngọt hoặc cay. Chúng chỉ khiến tình trạng ốm nghén của bạn thêm tồi tệ mà thôi!
Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 2
Ở tháng thứ 2 bào thai bắt đầu hình thành các bộ phận của cơ thể nên bà bầu cần có chế độ ăn uống hợp lý và khoa học, đảm bảo đẩy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Mẹ cần đa dạng chế độ ăn uống nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu như: bổ sung chất bột đường, chất đạm, chất béo có trong các loại rau, hoa quả, thịt, cá, đậu nành, các loại ngũ cốc, bánh mì, sữa, chế phẩm từ sữa… và axit folic vẫn đóng vai trò quan trọng trong tháng này.
Tuy nhiên, có rất nhiều mẹ bầu ở tháng thứ 2 vẫn xuất hiện tình trạng ốm nghén với biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, nôn… nên không thể ăn được nhiều. Vì vậy, mẹ cũng không nên cố ép mình phải ăn uống đủ chất mà cần nghiên cứu lấy một thực đơn để vượt qua tình trạng ốm nghén và có một thai kỳ nghén an toàn.
Trong 3 tháng đầu mẹ không nên quá đặt nặng việc ăn cho 2 người bởi mẹ càng cố ăn thì cơ thể không những không hấp thụ được chất mà mẹ còn bị nghén nặng hơn. Mẹ chỉ cần cố gắng tăng khoảng 1 – 2kg hoặc thậm chí là giữ cân chứ không bị sút cân là được.
Dinh dưỡng trong tháng thứ 3 thai kỳ
Trong 2 tháng đầu tiên của thai kỳ, có thể chuyện ăn uống không phải đề tài yêu thích của bà bầu bởi tác dụng phụ của buồn nôn, mệt mỏi, mất ngủ. Tuy nhiên, một khi đã bước qua tháng thứ 3, tình hình sẽ dần chuyển biến tích cực hơn. Cảm giác khó chịu do chứng ốm nghén đang giảm đi trông thấy.
Nếu 2 tháng trước vẫn chưa ăn đúng cho lắm, không sao, bạn có thể cho vào quỹ đạo từ bây giờ. Cấu trúc bữa ăn vẫn là 3 bữa chính và 2-3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày. Vào cuối tháng thứ 3, bạn nên tăng khoảng 0,4-1,7kg. Sau cột mốc này, mỗi tuần bạn sẽ tăng khoảng 0,5kg.
Dinh dưỡng khi mang thai tháng thứ 4
Thông thường tình trạng ốm nghén sẽ chấm dứt sau 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ cần bổ sung kịp thời các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn nhằm đảm bảo đủ chất cho cả mẹ và bé. Các chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ nân bổ sung thực phẩm giàu chất sắt để tránh bị hoa mắt, chóng mặt.
Nguồn thực phẩm giàu sắt bao gồm: thịt gà, các loại đậu, rau xanh đậm. Mẹ có thể bổ sung thêm vitamin C từ họ cam, bông cải xanh, ớt chuông xanh để tăng cường khả năng hấp thụ sắt. Nếu cơ thể mẹ bị thiếu sắt bác sĩ sẽ yêu cần bổ sung sắt bằng viên uống.
Mẹ cũng nên ăn những loại thức ăn có chứa nhiều vitamin A, B1, B2, B6, B9, PP, B12, C, D, E có trong nhiều loại rau, củ quả đa dạng màu sắc. Ăn nhiều thức ăn có chứa protein phong phú như: thịt nạc, cá, sữa, trứng gà, các sản phẩm chế biến từ đậu. Bổ sung sắt và axit folic tạo máu cho cơ thể, giúp nuôi dưỡng thai nhi.
Mẹ không nên bỏ bữa hay nhịn ăn, ít nhất là sau 4 giờ đồng hồ mẹ cần nạp thức ăn vào cơ thể để ngăn ngừa chứng buồn nôn, ợ nóng, mệt mỏi và buồn ngủ. Mẹ không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
Dinh dưỡng trong tháng thứ 5 thai kỳ
Tam cá nguyệt thứ 2 thường là khoảng thời gian thoải mái, dễ chịu nhất với mẹ bầu. Bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng và năng động hơn hẳn so với 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối. Trong 4 tháng đầu tiên mang thai, bạn nên tăng khoảng 3-4kg. Cuối tháng thứ 5, cần tăng thêm 1,5-2kg.
Cơ thể mẹ bầu lúc này bắt đầu trở nên cồng kềnh, nguyên do thường vì cơ thể tích quá nhiều nước. Vì vậy, bạn nên hạn chế ăn mặn, giảm lượng muối trong lúc nấu ăn, tránh thực phầm nhiều muối như khoai tây chiên, đồ ăn chế biến sẵn, dưa chua, ô-liu và các loại thịt xông khói.
Bên cạnh đó, uống nước thường xuyên, 8 ly mỗi ngày cộng thêm các loại nước lành mạnh khác. Uống nước nhiều giúp lọc bớt những chất lỏng không cần thiết trong cơ thể, giúp mẹ bầu nhẹ nhàng hơn.
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn bổ sung thêm canxi trong giai đoạn này. Nhu cầu canxi tăng trong thai kỳ, vì vậy bầu nên để ý uống 2 ly sữa và thêm 2 phần ăn từ các chế phẩm từ sữa vào thực đơn ăn uống hằng ngày.
Đã qua rồi thời kỳ ốm nghén, buồn nôn, giờ đây bạn có thể cảm thấy thèm ăn rất nhiều thứ. Cẩn thận! Đây có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu chất, chẳng hạn muốn ăn thịt đỏ là dấu hiệu của thiếu sắt. Tuy nhiên, nếu thèm đồ ngọt, cố gắng hạn chế bầu nhé.
Dinh dưỡng trong tháng thứ 6 thai kỳ
Chúc mừng mẹ bầu, đến cuối tháng này, bạn đã hoàn thành 2/3 chặng đường. Đây là thời gian bạn cảm thấy đói liên tục do bé con lớn hơn và cần nhiều dinh dưỡng hơn. Từ đầu thai kỳ đến cuối tháng thứ 6, bạn nên tăng được 6-8kg.
Lời khuyên về dinh dưỡng cho mẹ bầu trong tháng này:
- Đáp ứng cơn đói bằng thực phẩm lành mạnh, tốt nhất nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu như ngũ cốc, rau, trái cây, sữa, chế phẩm từ sữa, thịt và các loại đậu, hoặc có thể bổ sung thêm chất béo lành mạnh.
- Chọn thực phẩm chứa carbohydrate nâu như yến mạch, gạo nây, vì chúng giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ giúp ngăn ngừa chứng táo bón khi mang thai.
- Chắc chắn rằng bản thân vẫn đang uống vitamin theo toa của bác sĩ.
Dinh dưỡng cho bà bầu tháng thứ 7
Mẹ cần bổ sung các loại đồ ăn nóng, nhiều gạo, ngũ cốc, đậu đỏ, đậu xanh với liều lượng vừa đủ. Hơn nữa, mẹ cũng nên chú ý đến các chất như canxi, phốt pho, I-ốt, kẽm, sắt, tảo đỏ, sứa, đậu tương, đậu phụ, rau cải, mộc nhĩ đen, lạc, trứng gà, lòng đỏ trứng, xương đầu động vật, thịt nạc, gan động vật cùng các loại cá, tép moi, trai biển…
Đồng thời giảm những đồ ăn vặt ít dinh dưỡng như chocolate, bánh ngọt, bánh quy, nói chung là đồ ăn ngọt; tăng cường rau xanh và quả tươi. Nên ăn nhiều cá: cá hồi, cá ngừ hay cá thu vì có chứa nhiều axit béo omega 3 giúp phát triển bộ não thai nhi.
Thời điểm này, các loại vitamin A, B, B1, B2, C, E, D cũng nên được tăng cường đồng thời đảm bảo cung cấp đủ lượng mỡ có trong các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng, dầu rau cải…) và một lượng nhỏ dầu động vật.
Dinh dưỡng trong tháng thứ 8 thai kỳ
Bầu đang tiến gần đến cuối hành trình mang thai. Trong khi chờ đợi khoảnh khắc kỳ diệu, tại sao không dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi và tận hưởng nhiều nhất có thể? Lúc này, bạn đã nên bắt đầu quan tâm đến dinh dưỡng tốt cho cả thai nhi và cho con bú sau này.
Tầm quan trọng của omega-3 trong 3 tháng cuối thai kỳ là không thể phủ nhận. Sự tăng trường và phát triển trí não của trẻ nhanh nhất trong giai đoạn này. Bạn có thể bổ sung thực phẩm giàu chất béo lành mạnh từ các loại hạt, quả óc chó, cá hồi,… Tư vấn bác sĩ để nạp omega-3 từ các nguồn vitamin bổ sung khác.
Dinh dưỡng trong tháng thứ 9 thai kỳ
Thời gian này bà bầu sẽ khá bận rộn để chuẩn bị cho việc chào đời của bé con, vì vậy chuyện lơ là ăn uống tất nhiên sẽ diễn ra. Thực tế, 4 tuần cuối, bé con phát triển nhanh nhất với tốc độ chóng mặt. Đó là lý do vì sao bầu vẫn phải duy trì chế độ ăn uống đa dạng và dinh dưỡng.
Đến gần cuối tháng 9, bạn nên tăng khoảng 11-15 kg tính từ đầu thai kỳ đến giờ. Lời khuyên hữu ích dành cho bầu và tháng cuối như sau:
- Chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa thay vì 3 bữa chính. Tránh bỏ bữa, nhịn ăn trong thời gian dài.
- Tiêu thụ thêm nhiều thực phẩm giàu canxi để giữ hệ xương chắc khỏe, đồng thời chuẩn bị cho việc “xuất” sữa cho con bú sau này.
Trên đây là chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng mang thai mẹ có thể tham khảo. Chế độ dinh dưỡng trong quá trình mang thai sẽ góp phần to lớn trong công cuộc nuôi dưỡng con thông minh, khỏe mạnh.
Để có những hướng dẫn cụ thể hơn mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên gia tư vấn hoặc tham gia các lớp học tiền sản để có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ vượt cạn. Ngoài ra, bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại vitamin tổng hợp để bổ sung suốt thai kỳ cho con khỏe mạnh nhé!