Trường hợp bắt buộc phải mổ lấy thai ở tuần 38
Việc quyết định mổ đẻ ở tuần 38 thường dựa trên các yếu tố liên quan đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Dưới đây là một số lý do phổ biến khiến bác sĩ có thể chỉ định mổ đẻ ở tuần 38:
- Thai nhi không phát triển bình thường: Nếu thai nhi có dấu hiệu suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc gặp phải các vấn đề về phát triển, bác sĩ có thể chỉ định mổ đẻ sớm để đảm bảo an toàn cho bé.
- Thai nhi ở ngôi ngược, ngôi ngang: Nếu bé không quay đầu xuống dưới (ngôi mông hoặc ngôi ngang), khả năng sinh thường rất thấp, và bác sĩ có thể quyết định mổ đẻ sớm để tránh biến chứng trong quá trình sinh.
- Tiền sản giật: Đây là tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và bé, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như huyết áp cao, suy thận và tổn thương gan. Trong trường hợp này, bác sĩ thường chỉ định mổ đẻ sớm để bảo vệ sức khỏe của cả hai.
- Thai to hoặc nhỏ hơn so với tuổi thai: Nếu bé quá lớn (thai to) hoặc quá nhỏ (suy dinh dưỡng bào thai), bác sĩ có thể cân nhắc việc mổ đẻ sớm để tránh các biến chứng khi sinh.
- Vấn đề liên quan đến sức khỏe của mẹ: Nếu mẹ mắc các bệnh lý nguy hiểm như bệnh tim, tiểu đường, huyết áp cao hoặc có các vấn đề về tử cung (như tử cung bị rách), mổ đẻ có thể được chỉ định để đảm bảo an toàn.
- Thai suy, thiếu oxy: Khi thai nhi có dấu hiệu thiếu oxy hoặc nhịp tim không ổn định, việc mổ đẻ sớm có thể là giải pháp tốt nhất.
Mổ lấy thai ở tuần 38 có an toàn không?
Trên thực tế, thai được 38 – 40 tuần tuổi là mốc thời gian an toàn để mẹ sinh mổ hoặc sinh thường. Thế nhưng đối với các mẹ có mong muốn được mổ lấy thai ở tuần 38 sẽ phải trải qua nhiều xét nghiệm và kiểm tra để theo dõi tình trạng cả mẹ lẫn con có ổn hay không.
Lúc này, các bác sĩ sẽ ưu tiên xem xét tình trạng của mẹ có thể sinh thường hay không, nếu bé đã xoay ngôi thai về vị trí thuận thì lời khuyên tốt nhất là mẹ nên sinh tự nhiên.
Trong một số trường hợp mổ lấy thai ở tuần 38 được bác sĩ chỉ định khi ca sinh khó có thể sinh thường an toàn, tư thế của thai nhi không thuận lợi cho quá trình sinh nở, nhau thai nằm ở vị trí bất lợi hoặc trường hợp mẹ bị suy thai hoặc cao huyết áp, mẹ bị vỡ ối sớm…
Trường hợp mẹ cảm thấy sức khỏe ổn định, chỉ số thai 38 tuần đạt chuẩn hoặc vì một lý do nào đó mà mẹ muốn xin mổ lấy thai tuần 38 thì có thể hỏi ý kiến bác sĩ về mong muốn của mình.
Tuy nhiên, mẹ nên nhớ việc sinh mổ, đặc biệt là sinh mổ sớm hơn so với sự kiến thường không được khuyến khích bởi quá trình chăm sóc vết mổ sau sinh của mẹ có thể gặp nhiều biến chứng. Chính vì thế nên nếu cơ thể mẹ đang rất khỏe mạnh và em bé vẫn phát triển bình thường thì mẹ vẫn nên sinh tự nhiên để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho mẹ và bé sau này.
Những lưu ý sau khi mẹ mổ lấy thai ở tuần 38
Đối với các mẹ mổ lấy thai ở tuần 38 sẽ cần một chế độ chăm sóc đặc biệt, tương tự như các trường hợp sinh mổ thông thường khác để cơ thể mẹ nhanh chóng hồi phục sau sinh. Một số điều mẹ cần lưu ý là:
Tư thế nằm sau khi sinh mổ
Nằm nghiêng sang một bên và đặt một cái gối sau lưng sao cho cơ thể hợp thành với giường một góc 20-30 độ. Tư thế này sẽ giúp mẹ bớt đau hơn nhiều so với nằm ngửa.
Trong vòng 6 giờ đầu tiên, cơ thể bạn vẫn còn bị ảnh hưởng của thuốc dùng gây tê màng cứng khi mổ, vì vậy bạn nên nằm duỗi thẳng người, không kê gối, để tránh một tác dụng phụ của thuốc là đau đầu. Sau khoảng thời gian này, bạn vẫn nên nằm nghiêng để giảm đau.
Cố gắng di chuyển sớm
Sau khi sinh mổ, việc di chuyển dù đứng hay ngồi đều khiến mẹ đau đớn, nhưng đừng vì vậy mà bạn nằm nhiều trên giường. Tuy vậy, các mẹ chỉ nên bắt đầu vận động sau 1 ngày sinh mổ. Đồng thời, mẹ sinh mổ cần nhớ không cười quá to hoặc vận động mạnh bởi nó có thể ảnh hưởng đến vết mổ và khiến mẹ thêm đau đớn.
Sử dụng thuốc giảm đau
Việc dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, vì vậy các mẹ đừng ngại yêu cầu bác sĩ cung cấp thuốc nếu các cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể.
Lưu ý đến sản dịch
Dù mẹ sinh thường hay mổ thì sản dịch vẫn sẽ chảy theo đường âm đạo ra ngoài. Các mẹ cần lưu ý nếu thấy sản dịch không chảy ra sau sinh, sản dịch có mùi hôi, hay có màu đỏ tươi trở lại … cần phải báo ngay với bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết rất nguy hiểm với bà mẹ sau sinh.
Ăn nhiều chất xơ
Mẹ hãy lưu ý chọn lựa thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống mỗi ngày để làm mềm phân và giảm căng thẳng ở ruột và dễ tiêu hóa. Chất xơ thường có nhiều ở rau xanh, bất kể mẹ bầu hay trẻ em hay người lớn đều cần bổ sung nhiều rau xanh mỗi ngày.
Chăm sóc và giữ vệ sinh vết mổ
Để không bị nhiễm trùng, mẹ nên đặt 1 miếng vải sạch lên trên vết mổ giúp tránh mồ hôi ra quá nhiều thấm vào vết mổ gây đau, xót và lâu liền da. Đồng thời, mẹ không nên tự ý bôi bất cứ thứ gì lên chỗ mổ nhé, việc này rất có thể làm vết thương bị nhiễm trùng.
Để chăm sóc vết mổ sau sinh nhanh lành và không để lại sẹo hay biến chứng thì thời gian này mẹ không nên ăn hải sản, thức ăn tươi sống. Bên cạnh đó, một thực đơn bao gồm cháo, sữa và thức ăn lỏng sẽ rất cần thiết để việc tiêu hóa dễ dàng hơn sau khi mổ lấy thai.
Sau sinh mổ, mẹ sẽ cảm thấy lười biếng trong việc di chuyển. Tuy nhiên mẹ cần tập đi lại ngay từ 24h sau sinh và tuyệt đối không được nhị tiểu vì sẽ dẫn đến việc tiểu gắt và càng làm tăng cảm giác đau đớn của mẹ.
Ảnh hưởng của mổ đẻ sớm
Mặc dù mổ đẻ ở tuần 38 có thể được thực hiện trong một số trường hợp y tế cụ thể, nhưng có một số rủi ro liên quan đến việc mổ sớm trước 39 tuần:
- Hệ hô hấp chưa hoàn thiện: Thai nhi vẫn đang phát triển hệ thống phổi ở tuần 38, và việc sinh sớm có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp như hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh.
- Tăng nguy cơ các biến chứng sau sinh: Trẻ sinh sớm có thể đối mặt với nguy cơ hạ đường huyết, vàng da sơ sinh hoặc khó duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định.
Trừ những trường hợp đặc biệt bắt buộc phải mổ đẻ sớm, nếu không có vấn đề gì phải đẻ mổ sớm thì các mẹ cứ ăn uống và nghỉ ngơi cho đủ ngày đủ tháng giúp em bé sinh sẽ khỏe mạnh và phát triển tốt nhất.