Bệnh thủy đậu ở trẻ nếu không được điều trị đúng và kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm. Các bậc cha mẹ cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về bệnh cũng như cách chăm sóc trẻ bị bệnh thủy đậu, tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu ở trẻ

Có thể chúng ta đã biết bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do loại virus Varicella Zoster  gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, dễ lây lan thành dịch bệnh. Một tên gọi khác của loại bệnh này là trái rạ, thường xuất hiện vào cuối đông, có thể lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với virus qua nước bọt, dịch tiết mũi hoặc dịch từ các nốt phỏng vỡ ra.

Bệnh thủy đậu ở trẻ
Bệnh thủy đậu ở trẻ rất dễ lây lan thành dịch 

Bố mẹ cần theo dõi con cẩn thận. Nếu phát hiện các triệu chứng sau thì trẻ có thể đã mắc bệnh thủy đậu:

  • Giai đoạn ủ bệnh thường không có triệu chứng gì. Và kéo dài trong khoảng từ 14-16 ngày sau khi tiếp xúc với mầm bệnh thủy đậu
  • Ở giai đoạn phát bệnh các triệu chứng của bệnh đã rõ ràng hơn, cụ thể như sau:
  • Xuất hiện các hồng ban sau đó phát triển thành các mụn 
  • Con bị sốt cao, thân nhiệt có thể từ 39 đến 39,5 độ
  • Ngứa ngáy toàn thân khó chịu, quấy khóc
  • Các mụn nước ngày càng lan rộng tại nhiều bộ phận trên cơ thể

Ngoài ra, trước khi phát bệnh từ 2-3 ngày trẻ cũng xuất hiện một số dấu hiệu cảnh báo. Cụ thể như ho, thở khò khè, chảy nước mũi, bỏ bú hoặc bú ít. Mẹ cần quan sát con thật kỹ để dễ dàng nhận ra và có phương pháp xử lý kịp thời.

Bệnh thủy đậu ở trẻ thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh nốt sởi hoặc sốt phát ban. Để phần biệt chúng ta cần đặc biệt lưu ý. Các nốt rất ngứa và nổi phồng lên như hạt đậu nhỏ căng phồng bên trong có chứa dịch trắng đục. Sau từ 2 đến 3 ngày các nốt đậu sẽ chuyển đóng vảy và biến mất để lại trên da những đốm nhỏ. 

2. Bệnh thủy đậu ở trẻ em gây ra những biến chứng gì?

Mặc dù bệnh thủy đậu ở trẻ được xem là bệnh lành tính và hay gặp ở trẻ sơ sinh. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, nếu không chữa trị kịp thời bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Nặng hơn nữa có thể ảnh hưởng đến tính mạng, vì vậy các mẹ cần đặc biệt lưu tâm.

Bệnh thủy đậu ở trẻ
Bệnh thủy đậu ở trẻ nếu kéo dài, không được chữa trị kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng

Bệnh thủy đậu nhẹ thì sẽ gây ra các vết thâm sẹo sau chữa trị, do các mụn nước này bị vỡ, bong tróc, tạo mủ, lở loét. Các nốt đậu cần được chăm sóc, vệ sinh cẩn thận tránh bị nhiễm trùng.

Viêm não hoặc viêm màng não là biến chứng của bệnh thủy đậu có thể xuất hiện cả ở người lớn và trẻ nhỏ. Thông thường biến chứng xuất hiện sau khi nổi bóng nước 1 tuần, tuy nhiên tỷ lệ trẻ mắc phải khá hiểm, chủ yếu gặp nhiều ở người lớn. Các dấu hiệu nhận biết là: sốt cao, co giật, hôn mê, rối loạn tri giác, mờ mắt,…nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Viêm phổi thủy đậu cũng thường xuyên xảy ra ở người lớn, nhưng đối với trẻ nhỏ cũng không phải không có trường hợp nào. Biến chứng này thường đi kèm với các dấu hiệu như: tức ngực, khó thở, ho nhiều ra máu,..

Một số biến chứng nguy hiểm không thể không kể đến như: viêm gan, viêm tai ngoài, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp,… và các biến chứng về thai nhi nếu thai phụ mắc bệnh, cụ thể như trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh thủy đậu từ mẹ, khuyết tật, tử vong,…

3. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh thủy đậu

1. Chăm sóc tại nhà 

Bệnh thủy đậu hiện chưa có thuốc đặc trị, gia đình cần có những phương pháp chữa trị tại nhà và tuân thủ theo sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Đầu tiên không nên cho trẻ tiếp xúc với nhiều người cũng như đến những nơi công cộng. Nếu bắt buộc cần ra ngoài, bạn nên lựa chọn cho con trang phục kín đáo để tránh gió.

Bệnh thủy đậu ở trẻ
Chăm sóc trẻ tại nhà theo đúng lời khuyên của bác sĩ

Trẻ mắc bệnh thủy đậu nên mặc quần áo rộng rãi thoải mái, tránh làm bong tróc những nốt mụn nước. Đặc biệt, nên cho con sử dụng các đồ cá nhân như: khăn mặt, ly, chén, muỗng riêng. 

Bệnh thủy đậu ở trẻ rất dễ lây lan nên bé cần được cách ly từ 7 – 10 ngày tính từ ngày phát ban. Mẹ cần giữ phòng con sạch sẽ, kín gió và cách ly với những người chưa nhiễm bệnh. Tuyệt đối không cho con gãi để tránh làm vỡ các mụn nước dây phần mủ ra các vùng da xung quanh. Các con còn nhỏ, không biết gì nên tốt nhất cha mẹ nên để ý cẩn thận và cắt móng tay hoặc sử dụng bao tay vải cho bé.

Trong thời gian này, nên sử dụng nước ấm hoặc các dung dịch sát khuẩn để vệ sinh thân thể trẻ, không sử dụng xà phòng cọ xát da làm ảnh hưởng đến các mụn nước. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường như sốt cao kéo dài, co giật, người lờ đờ cần đưa ngay đến bệnh viện để theo dõi và chữa trị.

2. Dùng thuốc để điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ

Bệnh thủy đậu ở trẻ em có thể được chữa trị bằng một số loại thuốc như: thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt, giảm đau và các vitamin…. Khi sử dụng bất kì một loại thuốc nào bạn cũng nên hỏi ý kiến và tuân thủ theo quy định của bác sĩ.

Đối với các nốt đỏ trên cơ thể bé, có thể sử dụng dung dịch thuốc tím bôi lên để tránh viêm nhiễm, giảm bớt quá trình hình thành sẹo về sau. Khi mụn vỡ, có thể sử dụng dung dịch xanh Methylen bôi lên, tuyệt đối không sử dụng vôi mỡ Tetraxiclin, mỡ Penixilin, thuốc đỏ.Lưu ý không sử dụng kem trị ngứa cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi và phụ nữ mang thai. 

Bệnh thủy đậu ở trẻ em vẫn luôn là một căn bệnh nguy hiểm, dễ lây lan và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Mong rằng qua bài viết trên, các bậc phụ huynh đã có thêm kiến thức để chăm sóc và phòng ngừa thủy đậu ở trẻ. 

G-N60GGSY5TX
Call Now Button